img2158resize-121940848

50 năm sau người ta sẽ còn nhắc đến tên tôi

Esquire – Man at his best

img-2347

Đàm Vĩnh Hưng

50 năm sau người ta sẽ còn nhắc đến tên tôi

Cái hẹn với ca sỹ được mệnh danh là “ông hoàng showbiz Việt” chắc chắn diễn ra vào cuối đêm, khi ánh đèn sân khấu đã tắt và tràng pháo tay của các tín đồ bolero Sài Gòn đã ở phía sau lưng anh. Mr Đàm bước vào Kujuz Centro đúng hẹn đến từng giây, bắt tay tôi và lịch sự nhờ người phục vụ mang cho anh ly nước mát. Như mọi khi, tôi không thể định giá những gì anh khoác trên người: đồng hồ Cartier, nhẫn kim cương, giầy Louboutin…  tất cả được phối ghép khéo đến mức người ta sẽ không bị chói mắt bởi món đồ nào đó, chỉ có thể thừa nhận: Mr Đàm không bao giờ để ai đó chê là gã trọc phú mới nổi, anh rất có gu. Ở con người anh, nghệ sỹ tính và sự cáo già đậm chất thương gia luôn song hành với nhau, để đảm bảo rằng Mr. Đàm luôn là kẻ chủ động.

ESQ: Trên đỉnh vinh quang 20 năm, giờ điều anh sợ nhất chắc hẳn là thời gian, là tuổi già ập đến?

ĐVH: Tôi luôn sợ tuổi già và tôi không ngại nói rằng tôi sẵn sàng tìm mọi phương thuốc trên cuộc đời này để giằng co với tuổi già.

ESQ: Có vẻ anh là người rất nhiều ham hố?

ĐVH: Tôi yêu tuổi trẻ và cưng chiều bản thân mình. Tại sao phải chờ đến lúc da dẻ nhăn nheo, chảy xệ thảm hại mới cố “hồi xuân”, ai nhìn cũng biết liền. Tôi thấy trước nguy cơ và xử lý trước. Không phải vì ham hố. Còn rất nhiều điều tôi muốn làm, giá như tôi được trẻ lại 20 tuổi và giữ nguyên trí tuệ hiện tại. Kỳ lạ là tôi luôn nghĩ mình như mới bắt đầu sự nghiệp vậy…

ESQ: Đó là lý do anh chịu chơi tới mức hàng đêm hát 40 bài, bất chấp 20 bài đã quá đủ tiền cát-xê, bất chấp hậu quả tổn thọ cho tuổi nghề của anh?

ĐVH: Tôi luôn chịu chơi và chiều khán giả, bất chấp hậu quả. Tôi chịu ơn khán giả của tôi. Tôi muốn khi họ bỏ tiền để đến nghe tôi hát thì sẽ được mãn nguyện hết mức. Tôi và khán giả cùng chia sẻ bữa tiệc âm nhạc linh đình từ 9h30 cho đến 1h sáng, nhiều năm rồi, đêm nào cũng vậy.

dam-vinh-hung-41124

ESQ: Anh nghiện và tham lam sự ái mộ của công chúng, họ càng cuồng nhiệt thì anh càng chơi tới bến?

ĐVH: Điều đó là hẳn nhiên, tôi tham lam tình yêu của khán giả lắm. Tôi là chủ xị bữa tiệc làm sao lại kém chịu chơi hơn khách mời? Tôi dám nói ở showbiz này thậm chí trên cả thế giới này, không nhiều người hàng đêm có thể hát liên tục trên dưới 40 bài như tôi.

ESQ: Vậy anh có khủng hoảng bởi lý do: khi thì được tung lên mây xanh khi thì bị ném đá, nói xấu tơi tả?

ĐVH: Nghệ sỹ còn được nhắc đến là còn mừng, nghĩ tích cực thế đi. Chẳng ai buồn nhắc nhớ đến thì về hưu đi là vừa. Còn scandal, nói xấu tôi ư, nếu thích tôi kể thêm cho nghe, Tôi kể hay hơn họ đoán già đoán non nhiều. Tôi luôn sống và hành xử đủ để không cho phép bất cứ kẻ nào đứng trước mặt sỉ nhục tôi, còn nói xấu sau lưng hả, thoải mái – Không ai chiều được hết cả thế giới này. Mà như thế mới vui. Tôi bước vào nơi nhiều ánh sáng nhất, sống trước sau như một, vậy tôi có cần sợ hãi kẻ chui nhủi trong bóng tối không? Tôi từng viết một status trên Facebook đề nghị các anh chị đang ném đá tôi cứ tiếp tục và tôi yêu cầu lực lượng fan của tôi cư xử có văn hóa, không tranh cãi với các anh chị ấy. Nếu họ không ném đá nữa mà chuyển qua yêu tôi thì mới là sai kế hoạch (cười).

ESQ: Ngoài 40 tuổi, vẫn đắt show nhất, anh trả lại gì cho cuộc đời?

ĐVH: Tôi hát và làm việc điên cuồng như thể ngày mai tôi sẽ phải chết vậy. Còn bao nhiêu tác phẩm vàng son của Sài Gòn xưa tôi muốn tìm lại và hát cho công chúng. Tôi sẵn lòng giúp đỡ, chỉ dạy cho các thế hệ kế tiếp nếu họ có khả năng, họ nhờ tôi chỉ bảo – dẫu họ là gà hay học trò của ai thì tôi cũng không nề hà. Trách nhiệm của người đi trước là phải hướng dẫn thế hệ sau, ăn cơm của Tổ nghiệp thì phải hiểu đạo. Còn việc giúp đỡ các nghệ sỹ neo đơn/ khó khăn, các công tác xã hội thì tôi vẫn làm hàng ngày như bổn phận của một nghệ sỹ còn “sáng đèn hàng đêm” và bổn phận của một công dân. Nói thiệt, tôi đầy nghệ sỹ tính và có máu hiệp sỹ, hai điều đó làm nên Đàm Vĩnh Hưng.

ESQ: Nói đến nhạc tình Sài Gòn xưa, bolero, tôi cho rằng anh thật cáo già như một thương gia có tầm nhìn khi mở đường cho dòng nhạc này trở lại thị trường trong nước khi chẳng ai nghĩ đến việc đó?

ĐVH: Điều đầu tiên là yêu. Tôi lớn lên từ lề đường, hẻm vắng Sài Gòn để hiểu nhu cầu và tiếng lòng của người dân, vài chục năm qua họ vẫn nghe và yêu bolero, bằng mọi nguồn có thể có. Cả thị trường sôi sục hát nhạc Hoa lời Việt, nhạc Hàn, nhạc trẻ… để kiếm tiền, chả có ai điên đi hát nhạc vàng. Thế mà có Đàm Vĩnh Hưng! Tôi từng bước xin phép rất nhiều ca khúc nhạc xưa để được hát cho bà con. Tôi mở rộng thị trường của mình từ khán giả trẻ đến bố mẹ của khán giả trẻ và từng bước “bỏ bùa” những fan thanh niên dần dần cũng yêu nhạc vàng. Thực ra sự trở lại của nhạc xưa là tất yếu, nửa thế kỷ qua nó vẫn tồn tại mãnh liệt trong lòng hàng triệu người Việt. Những tiền nhân anh hoa ở cả ba miền hơn nửa thế kỷ trước đã tạo ra một kho báu khổng lồ, xài hoài không hết và nói thẳng giờ họ vẫn là tượng đài. Tôi tin vào giá trị đẹp sẽ trường tồn.

ESQ: Có thể nói phải đến 70% ca sỹ đang hoặc bắt đầu chuyển qua nhạc bolero, vì đơn giản hát bolero mới có khán giả, mới có show. Đến diva Hà Trần cũng phải ra album nhạc xưa là đủ thấy thị trường âm nhạc đã đổi màu hoài cổ rõ ràng.

ĐVH: Tôi dám  nói thế này: hát được nhạc vàng, nhạc xưa là vé vào cửa Sài Gòn – thị trường âm nhạc khổng lồ với những sân khấu sáng đèn hàng đêm. Như tôi vẫn nói đùa là anh ca sỹ này, chị ca sỹ kia có đủ giấy tờ thông hành vào Sài Gòn. Tôi biết điều này khi 5, 6 năm trước, bình thản mang bolero vào vũ trường, bar – những nơi “điên” nhất và nhận thấy họ vỗ tay còn điên hơn khi tôi ca nhạc vàng. Sau 1975, tôi là ca sỹ đầu tiên thắng các giải thưởng âm nhạc bằng nhạc xưa. Tôi cười với những khen chê cá nhân về việc tôi hát nhạc vàng, nhạc Trịnh, nhạc xưa không theo ý họ mà theo cách của tôi, tôi biết tôi đã thành công! 50 năm sau người ta sẽ còn phải nhắc đến tên tôi như một người có công phục hưng nhạc xưa ở thị trường đại chúng.

ESQ: Tôi biết anh đã “Đàm hóa” mọi thứ. Vậy miếng bánh nhạc xưa giờ anh không còn độc chiếm, có quá nhiều người đã và đang ùa vào thị trường này, anh không ngại sự cạnh tranh khổng lồ đó?

ĐVH: Nhạc sỹ Trần Long Ẩn và nhạc sỹ Tôn Thất Lập đã nói tôi tạo ra trường phái Đàm Vĩnh Hưng và ảnh hưởng đến cách hát của nhiều ca sỹ trẻ. Tôi thừa nhận tôi có “phạm thượng” khi phá vài tiền lệ trong cách hát nhạc xưa, nhưng việc cá nhân hóa của tôi dựa trên tình yêu, nghệ sỹ tính và độ hiểu của tác phẩm để không làm mất đi cái hồn, cái hay vốn có. Vậy tôi có cần lo sự chia sẻ thị trường không khi tôi luôn làm mọi cách để Đàm Vĩnh Hưng chỉ có một, không thể thay thế. 20 năm qua, từng ngôi sao xuất hiện, tỏa sáng, ồn ào rồi biến mất dần, còn tôi vẫn ở đây, làm tiếp điều mà tôi tin là lý tưởng mà Tổ nghiệp sân khấu trao cho tôi.

ESQ: Vâng, sự nghiệp anh vẫn lẫy lừng, lửa đam mê vẫn hừng hực. Vậy ở góc độ khác, thú chơi ngông, sưu tầm đồ độc, đồ hiệu của anh vẫn phát triển ổn định?

ĐVH: Đó là điều không thể thiếu, nó ở trong máu của tôi, sự ngưỡng vọng cái đẹp và biết cưng chiều bản thân mình. Sau này chẳng ai dạy tôi đâu, tôi từng thử rất nhiều lần, tôi bước vào một cửa hàng thời trang, lựa một món đồ, y như rằng đó là món đồ đắt nhất, vừa mới về, dù trông nó không phô trương. Tôi không cố tìm mua thứ đắt nhất, tôi chỉ mua thứ mà tôi cho rằng đẹp nhất.

ESQ: Anh còn nhớ kỷ niệm đầu tiên về một món đồ thực sự đẳng cấp anh chọn mua ngày xưa không?

ĐVH: Tôi còn nhớ nhiều năm trước khi lần đầu đến Mỹ diễn. Lúc đó, tôi chưa thành công như bây giờ, tôi đã quyết định mua một đôi giày giá hơn 2000 đô-la Mỹ. Lúc đó, tôi nghĩ mỗi bước chân mình đi là sẽ mòn đi 1 đô-la. Việc đó rất thú vị nên tôi mua. Khoảnh khắc sở hữu đôi giày đó khiến tôi nhớ mãi. Giờ tôi vẫn giữ đôi đó làm kỷ niệm dù giờ tôi có những đôi đắt hơn nhiều. Đẳng cấp do con người tạo ra, có khi tôi chỉ mặc một chiếc áo Việt Nam vài trăm ngàn, với sự phối ghép hợp lý cao độ thì ai cũng nghĩ đó phải là đồ hiệu rất đắt tiền. Thế giới thượng lưu không chỉ có những tay trọc phú, bạn đừng nghĩ mình nhiều tiền thì có thể ở trong đó. Thế giới đó cũng phân biệt đối xử lắm, có người giàu mà không bao giờ sang nổi là vì thế. Thực ra, một người không giàu có gì mà sống đẹp, cư xử hiệp nghĩa, tử tế, ham học hỏi, hiểu về cái đẹp thì món đồ anh ta chọn dùng, dẫu không phải đồ hiệu, nhưng cũng đủ tư cách là một dạng đồ hiệu.

ESQ: Cuối cùng thì giá trị đích thực vẫn thuộc về cái đẹp?

ĐVH: Người tốt nhìn cỡ nào cũng thấy đẹp. Các thương hiệu xa xỉ cũng vậy, họ chinh phục thế giới vì đẳng cấp thẩm mỹ và câu chuyện phía sau thương hiệu, giá trị cộng thêm mà họ mang đến cho khách hàng. Người tốt khó kiếm nên đẹp, và cái đẹp dễ kiếm thì phải đắt tiền.

ESQ: Cảm ơn anh đã chia sẻ!

THIÊN CA